Hơn 4,6 tỷ đồng(180.000 đô Mỹ)– đó là giá trị của gói phần mềm AVEVA vừa được Đại học Công nghiệp TP. HCM (IUH) tiếp nhận, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa công cụ phục vụ giảng dạy và nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp.
Bà Phó Hải Chi - Giám Đốc, đại diện Q Systems trao trao bảng xác nhận tài trợ cho PGS. TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng IUH
Ngày 25/4, Đại học Công nghiệp TP. HCM chính thức tiếp nhận gói tài trợ phần mềm AVEVA Educational Consignment trị giá 180.000 USD (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng) từ Tập đoàn AVEVA – một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về giải pháp phần mềm trong lĩnh vực công nghiệp tự động hóa.
Buổi lễ tiếp nhận diễn ra trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo nhà trường gồm PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng, TS. Trần Thanh Ngọc – Trưởng Khoa Công nghệ Điện, PGS.TS Trịnh Ngọc Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, cùng đại diện các phòng, khoa, trung tâm và đông đảo sinh viên ngành Công nghệ Điện. Đại diện phía nhà tài trợ có bà Nguyễn Thị Minh Trâm – Quản lý vùng AVEVA tại Việt Nam, bà Phó Hải Chi – Giám đốc Công ty Q Systems, cùng các chuyên gia đến từ Công ty Q Systems – đối tác triển khai của AVEVA.
Các lãnh đạo Nhà trường cùng đại diện nhà tài trợ tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Đàm Sao Mai khẳng định: “Với thế mạnh đào tạo thuộc khối ngành kỹ thuật – công nghệ, việc tiếp nhận gói phần mềm AVEVA sẽ giúp IUH tăng cường năng lực đào tạo thực tiễn, trang bị cho sinh viên những công cụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật trình độ cao cho cách mạng công nghiệp 4.0.”
PGS.TS Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi lễ
Đáp lại, bà Phó Hải Chi – Giám đốc Công ty Q Systems chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng IUH trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tài trợ phần mềm này không chỉ là một khoản hỗ trợ thiết bị, mà còn là sự đầu tư vào tương lai giáo dục kỹ thuật. AVEVA kỳ vọng Nhà trường sẽ tích hợp các công cụ này vào giáo trình đào tạo chính thức, giúp sinh viên tiếp cận sớm với các công nghệ tiên tiến, tự tin làm chủ phần mềm và giải pháp đang được sử dụng tại các nhà máy lớn trong nước và quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp”.
Ông Vũ Quang Định - Quản lý phát triển đối tác, đại diện Q Systems trao đĩa phần mềm và 21 license cho TS. Trần Thanh Ngọc, Trưởng khoa Công nghệ Điện
Gói phần mềm AVEVA là một hệ thống tích hợp toàn diện, hỗ trợ phát triển và mô phỏng các ứng dụng SCADA, MES, số hóa nhà máy thông minh, khu công nghiệp, thành phố thông minh… với khả năng kết nối xuyên suốt từ thiết bị hiện trường đến hệ thống điều hành và lưu trữ đám mây (cloud).
AVEVA Educational Consignment là bộ công cụ giáo dục tiên tiến, tích hợp đầy đủ các giải pháp phát triển ứng dụng cho lĩnh vực công nghiệp – từ giám sát, điều khiển, tối ưu hóa hệ thống sản xuất cho đến kết nối dữ liệu doanh nghiệp. Đây là nền tảng đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu trong các ngành: điện lực (nhiệt, thủy, tái tạo), nước và môi trường, dầu khí, thực phẩm – đồ uống, sản xuất vi mạch, giao thông vận tải, hóa chất – dược phẩm, và các mô hình nhà máy – đô thị thông minh.
Với đặc tính mở, dễ tùy biến, dễ học, dễ sử dụng và khả năng tương thích cao với hệ sinh thái phần mềm công nghiệp hiện đại, các phần mềm AVEVA đang là lựa chọn ưu tiên trong chuyển đổi số sản xuất công nghiệp tại Việt Nam và thế giới.
Sau lễ bàn giao, các bên đã cùng di chuyển đến phòng thực hành, nơi diễn ra buổi chia sẻ chuyên sâu về phần mềm AVEVA. Tại đây, các kỹ sư và chuyên gia tư vấn phát triển đối tác đã mang đến những góc nhìn thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng phần mềm. Những vấn đề thực tế, cùng các phân tích chuyên môn đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cơ chế vận hành cũng như những cải tiến nổi bật mà AVEVA mang lại trong lĩnh vực công nghiệp và quản lý.
Đại diện các bên tham quan và chia sẻ kinh nghiệm phần mềm tại phòng thực hành của khoa Công nghệ Điện
Thông qua sự đồng hành chiến lược này, giảng viên và sinh viên IUH được tiếp cận trực tiếp với các công nghệ phần mềm hiện đại, ứng dụng thực tiễn cao – tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Tự động hóa. Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Nhà trường bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, góp phần đào tạo đội ngũ kỹ sư tinh nhuệ, sẵn sàng làm chủ công nghệ trong kỷ nguyên AI và hội nhập toàn cầu.